Tuesday, February 18, 2014

THÁNG LƯƠNG ĐẦU CỦA BỐ

Mái tóc bố điểm bạc phun sương, nếp nhăn dày đặc trên khuôn mặt. Nhất là khi bố giận chúng con, nếp nhăn như chằng chịt hơn. Nhìn bố, con đau rất nhiều!

Từ một chàng thanh niên da trắng bóc, yếu đuối không làm được việc gì, bố theo gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới. Chẳng hiểu vì lý do gì, ông ngoại cứ bắt mẹ lấy bố khi sức khỏe bố vừa yếu lại nhà nghèo. Cái Tết năm bố với mẹ vừa chạm ngõ, bố đột nhiên lăn đùng, miệng sùi bọt vì căn bệnh khớp làm mẹ lo lắng nhường nào.

May nhờ ông trời thương xót, bố thoát khỏi căn bệnh khớp và khỏe mạnh từ bấy tới giờ. Cái cơ thể chỉ chừng hơn 50 kg của bố dẻo dai gấp bao người nặng đến cả tạ. Bố, mẹ lao vào làm nương, làm rẫy, bò trâu đầy nhà. Bố còn làm kế toán của xã. Đời sống nhà mình có thể xem khá giả nhất vùng.

THÁNG LƯƠNG ĐẦU CỦA BỐ

Trong 10 năm, 5 chị em con lần lượt ra đời. Lúc này bố thấy, dù kinh tế khá giả nhưng trẻ con nơi này không ai học đến cấp 2. Bố nghĩ về tương lai, không đành lòng để chúng con quanh năm đầu tắt mặt tối với cây ngô, cây lạc, vừa “nứt mắt” đã bồng bế, địu con lên rẫy. Để rồi, bố bỏ lại cơ nghiệp đã gây dựng, đi đến quyết định quan trọng nhất đời mình, và cả đời mẹ, đời chúng con: Chuyển xuống nơi có điều kiện học hành.

Nơi “đất khách quê người”, gia đình mình phải rất khó khăn bươn trải kiếm sống. Mỗi sáng, bố cạo nồi cơm rượu viên thành 5 nắm xém cho 5 chị em con. Hôm nào khá hơn, bố nấu một nồi cơm và một quả trứng gà cho một vốc muối để chúng con ăn đi học.

Không phụ công của bố mẹ, giờ đây 5 chị em con đã vào giảng đường đại học. Chúng con quy tụ bên nhau thành một gia đình nhỏ ngoài thủ đô phồn hoa đô thị. Con lại nhớ về cha mẹ – hai thân già lẻ bóng, thui thủi một mình.

Mẹ dù đã ngoài 50 tuổi vẫn đạp cái xe khung cọc cạch chở rau cỏ lên vùng xa bán. Lúc về đèo thêm vài quả chuối, quả na, thậm chí chỉ vài bó rau ngót… Nhưng nhờ nó mà chúng con mới có tiền ăn học.

Còn bố, bố lo việc nhà cửa, lợn gà. Mình bố “chiến đấu” với hơn mẫu ruộng. Bố bảo phải làm thế lấy lúa ngô nuôi lợn gà, lấy gạo cho chúng con ăn. Xong việc nhà, bố lại cày thuê, cuốc mướn cho bà con làng xóm.

Mỗi khi gọi điện về nhà, tim con thắt lại khi nghe bố chảy máu cam, bị nhiệt miệng không ăn được gì, hay đang đi cày bị tụt huyết áp. Con khóc khi nghe tin mẹ đau răng, xương cột sống bị thoái hóa do trèo cây hái quả bán. Những lúc ấy, mẹ bị phát mụn nhọt đau đến không ăn, không ngủ.

Bố, mẹ cứ lao như con thiêu thân, dành dụm từng đồng tiền mồ hôi nước mắt gửi cho chúng con. Nói đâu xa chỉ năm ngoái thôi, mỗi tháng bố mẹ phải cố làm ra hơn 2 triệu gửi cho con và em, còn anh học quân đội nên thỉnh thoảng mới phải cho vài trăm. Lúc xoay chưa đủ, mẹ lại vào vay cậu mợ. Một tháng, hai tháng như thế, bố ngại bảo mẹ ra quán cầm đồ vay nóng.

Hôm nay vinh dự dắt tay em út vào giảng đường đại học, con lại nhớ về bố. Con gọi điện, nghe giọng bố vô cùng hân hoan. Bố nói rằng vừa nhận tháng lương đầu tiên trong cuộc đời. Bố dự định sẽ dành một khoản cho ông nội, bà ngoại, dành để liên hoan chi bộ và một chút gì nho nhỏ mua quà cho mẹ.

Hóa ra, lúc biết em út đậu đại học cũng là lúc bố chấp nhận làm bí thư của thôn, mà theo như chính sách mới mỗi tháng bố sẽ được hỗ trợ khoảng 700 ngàn đồng.

Con còn nhớ cách đây 3 năm, 7 năm, hơn 10 năm trước, chính quyền địa phương luôn yêu cầu bố giữ một chức gì đó nhưng bố nhất quyết khước từ vì nếu làm nó sẽ không có thời gian chăm sóc gia đình. Có lần, bố còn bị tự kiểm điểm trước đảng bộ, khi đó bố chỉ nói “Các con tôi còn đi học, tôi còn phải làm để lấy tiền nuôi chúng”.

Giờ đây 53 tuổi, bố làm một cán bộ thôn nho nhỏ nhưng con biết hiện giờ bố đang rất hãnh diện vì “việc nhà đã yên, cũng rất vui vì từ giờ bố sẽ bớt vất vả hơn. việc nước đã trọn”.

Chúng con đều biết sẽ chẳng bao giờ có thể khuyên bố bỏ bớt việc, mẹ thôi đừng ham kiếm vài đồng mua quà vặt nhưng hi vọng từ giờ bố mẹ có thể nhẹ gánh hơn, lo cho sức khỏe hơn vì chúng con, bố mẹ nhé!

Đứa con bất hiếu chưa bao giờ nói yêu, nói nhớ bố mẹ!